2021 là năm cơ hội hay thách thức? Liệu doanh nghiệp có nên tiếp tục triển khai kế hoạch ban đầu hay chờ đợi đến ngày ‘sóng lặng biển yên’?
Giữa bão giông, chẳng ai biết lúc nào nắng sẽ bất chợt hiện lên. Khi sống chung với lũ đang là thực tại mới của nhiều quốc gia, việc chờ đợi đại dịch được kiểm soát không hẳn là lựa chọn tối ưu đặc biệt khi không ít doanh nghiệp mới đang nương sóng vươn lên theo xu hướng thời đại.
Bởi vậy, thay vì băn khoăn “nên hay không đầu tư cho các hoạt động truyền thông, marketing trong thời gian tới”, đôi lúc doanh nghiệp nên dành sự tập trung cho câu hỏi “làm thế nào”. Suy cho cùng, thương trường cũng như chiến trường, việc quan trọng nhất vẫn là sống sót. Biển động, bão giông hay thời tiết có khắc nghiệt đến mấy, khi đã là điều không thể tránh, cuộc chiến vẫn cứ diễn ra chỉ là với tâm thế khác mà thôi!
Tư duy nhập cuộc: đừng để xao nhãng bởi những điều ngoài tầm kiểm soát
Nếu không thể làm gì để thay đổi những vấn đề liên quan tới kinh tế, xã hội hay bối cảnh kinh doanh… vậy vì sao phải dành quá nhiều thời gian để đắn đo về chúng? Trong mô hình Circle of concern & influence, Stephen R.Covey chia sẻ: mọi tình huống, vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống cũng như kinh doanh đều có thể khái quát thành 3 phạm trù:
- – Những điều có thể kiểm soát
- – Những điều không thể kiểm soát nhưng ảnh hưởng một phần
- – Những bận tâm nằm ngoài khả năng kiểm soát hay ảnh hưởng của doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại
Ở vòng tròn trung tâm – những điều có thể kiểm soát – thường là những vấn đề liên quan đến bản thân doanh nghiệp mà ở đó cấp quản lý có quyền tự chủ cao. Các vấn đề về nhân sự, mô hình, đường lối chính sách, chiến lược định vị là ví dụ, trong 2020, không ít các chiến lược chuyển đổi số, tái tung thương hiệu đã được triển khai để ứng biến và tìm lối thoát giữa sự vây bủa của dịch bệnh. Có sự thay đổi là tạm thời để bảo toàn nguồn lực đồng thời cũng có sự thay đổi là mãi mãi để sẵn sàng cho các trường hợp tương tự ở tương lai.
Vòng tròn thứ 2 là những điều không thể kiểm soát nhưng có thể ảnh hưởng bởi năng lực bản thân. Chẳng hạn sử dụng sức mạnh truyền thông để củng cố hình ảnh thương hiệu và thắt chặt mối quan hệ với khách hàng nhất là khi trong thời kỳ có nhiều xáo trộn, giữ chân khách hàng cũ cũng quan trọng không kém việc tìm kiếm đối tượng, thị trường mới! Đôi lúc, đó có thể là tạo ra hay định hình những xu hướng mới như lớp học online, văn phòng ảo… từ đó điều hướng hành vi khách hàng đến các loại hình dịch vụ mới!
Vòng tròn ngoài cùng là những yếu tố bận tâm nhưng nằm ngoài phạm vi chi phối của doanh nghiệp. Và thường thì đây chính là những nhân tố chính ngăn trở doanh nghiệp trên chặng đường đạt tới mục tiêu ban đầu đồng thời thu hẹp tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp. Ví dụ như các ngành taxi hay dịch vụ ăn uống, Tết và cận Tết luôn là thời điểm nuôi sống doanh nghiệp trong những tháng đầu năm thế nhưng tác động của đợt bùng dịch tới đây lại là điều khiến nhiều đơn vị ‘vô kế khả thi’.
Vậy làm thế nào để doanh nghiệp thoát khỏi thế bị động từ những thay đổi không thể dự đoán từ thị trường?
Một cách lý thuyết, doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào những yếu tố trong tầm kiểm soát, ảnh hưởng và lờ đi những mối bận tâm không thể giải quyết. Trong trường hợp của đại dịch Covid-19, đó là chấp nhận những ‘lệnh giãn cách’ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để tìm ra giải pháp tối ưu hay những kế hoạch B để ứng phó kịp thời dù rằng đây là những điều ‘dễ nói, khó làm’.
Dù vậy, bất kể đại dịch tiếp tục bùng phát hay được kiểm soát tức thì, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục vận hành. Suy cho cùng như đã đề cập ban đầu, trải qua một năm thích ứng, câu hỏi đặt ra lúc này cho mỗi doanh nghiệp không phải là ‘khi nào’ nên đầu tư vào truyền thông marketing mà là ‘làm ra sao’ để tối thiểu hóa tác động bên ngoài.
Và trước một năm cơ hội song hành cùng thách thức như 2021, doanh nghiệp càng cần xác định được tâm thế đúng để tăng tính chủ động trước những bản tin khó đoán vào ngày mai!
Tăng tính chủ động trong bối cảnh mới
Để bắt đầu với tâm thế chủ động trong bối cảnh mới doanh nghiệp có thể bắt đầu theo 3 gợi ý sau:
1 – Sắp xếp lại những bận tâm trong đầu theo thứ tự ưu tiên
Sự thay đổi về hành vi khách hàng, những xu hướng đang định hình, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ mới, cuộc đua chuyển đổi số bắt buộc trong ngành hàng… 2021 là thời điểm của những cuộc đại tái thiết khi thay đổi là điều tất yếu ở nhiều lĩnh vực như du lịch, taxi, tổ chức sự kiện, giải trí, dịch vụ ăn uống…
Giữa một ‘mớ bòng bong’ phải lo nghĩ, doanh nghiệp nên tách riêng từng nỗi băn khoăn theo 3 nhóm: có thể kiểm soát, có thể ảnh hưởng, và ngoài tầm ảnh hưởng. Từ đó đưa ra những quyết định tương ứng:
- – Phải có hành động ngay
- – Có thể ưu tiên để sau
- – Hoặc án binh bất động
2- Mở rộng phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp bằng sức mạnh nội tại
Phạm vi doanh nghiệp có thể kiểm soát hay ảnh hưởng chỉ mang tính tương đối bởi tính thời điểm. Cùng với sự phát triển trong năng lực, vị thế, sản phẩm/ dịch vụ, 2 vòng tròn ‘kiểm soát’ và ‘ảnh hưởng’ có thể không ngừng mở rộng theo thời gian.
Thường thì sức ảnh hưởng của doanh nghiệp sẽ gia tăng khi có sự thay đổi lớn từ nội tại. Lấy ví dụ như bảo vệ môi trường là vấn đề từng nằm ngoài phạm trù ảnh hưởng của các nhà sản xuất ô tô. Tuy nhiên cùng những sự ra đời của ô tô điện với dòng pin có thể chạy tới hàng triệu km lại là yếu tố giúp doanh nghiệp làm thay đổi cuộc chơi. Tương tự, khởi nguồn từ các dịch vụ viễn thông đơn thuần, Viettel cũng dần mở rộng vòng ảnh hưởng của bản thân với những định hướng mang tính thời cuộc hơn – kiến tạo xã hội số.
Nếu ‘tâm sinh tướng’ thì sự thay đổi về hệ giá trị bên trong sẽ luôn song hành cùng những hệ thống nhận diện mới, tầm nhìn sứ mệnh mới. Khi doanh nghiệp cần một chiến lược mới để bắt kịp xu thế hay ‘miễn dịch’ trước những đợt ‘cúm’ bất ngờ trong 2021, đại cách tân từ trong ra ngoài là xu hướng sống còn tất yếu. Đó cũng là lý do trong thời gian vừa qua không ít các thương hiệu Việt đang rục rịch cho sự lột xác (re-branding) để sẵn sàng cho sân chơi mới!
3 – Luôn có kế hoạch B cho mọi tình huống
Đối với những doanh nghiệp không có nguồn lực lớn mạnh như Viettel, các hoạt động truyền thông, marketing ngắn hạn vẫn là lựa chọn tối ưu để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực dòng tiền. Tuy nhiên khác với thời kỳ bình ổn, những chiến lược đặt ra cho 2021 cần có sự linh hoạt cao và khả năng điều chỉnh để ứng biến kịp thời trước những thay đổi.
Và bởi lẽ chẳng ai có thể tự tin khẳng định về những gì sẽ diễn ra trong 3 tháng – 6 tháng – hay 1 năm tiếp theo nên đôi lúc cách tốt nhất là chuẩn bị kịch bản ứng đối cho mọi trường hợp. Trong bài viết “Góc nhìn mới về chiến lược trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến số”, Wisdom có đề cập đến mô hình Axes of Uncertainty để xây dựng các chiến lược ngắn hạn, dài hạn dựa trên các xu hướng hiện tại và đích đến ở tương lai. Cùng dành vài phút tìm hiểu nhé!
Trong năm 2021, thay vì bị động ứng biến theo những tín hiệu thị trường, doanh nghiệp hãy bắt đầu với một tâm thế mới, tư duy mới để chủ động đưa ra những chiến lược phù hợp. Và nếu doanh nghiệp cần một vài gợi ý cho những chiến lược ngắn hạn, dài hạn để bắt kịp những cơ hội phục hồi trong thời đại mới, hãy chia sẻ cùng Wisdom những bận tâm của mình để cùng tìm ra giải pháp tối ưu nhé!
Đặt lịch hẹn tư vấn ngay!