Outbound Marketing Và Inbound Marketing Là Gì, Đâu Là Hướng Đi Phù Hợp?

10 Tháng Mười Một, 2020

Outbound marketing và inbound marketing là gì? Đâu là hình thức tối ưu cho bài toán chi phí hiệu quả? Đâu là giải pháp giúp thương hiệu tăng trưởng bền vững trước bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp?! 

Nếu marketing cũng tương tự như bắt cá, giữa một vùng nước mênh mông với tiềm năng vô tận, đâu là cách bạn hạ gục ‘con mồi’? Lao vào nước cùng ngọn giáo hay kiên nhẫn trên bờ cầm câu?

Outbound marketing cũng như cách người dân men theo bờ sông, bờ suối thăm dò nơi cá tập trung và ‘săn’ chúng bằng những ngọn giáo. Tinh túy của phương thức này nằm ở sự chủ động lao vào đối tượng và khả năng nhắm chuẩn. Thế nên, đến cuối ngày, ‘sọt cá’ đầy hay vơi phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật cùng kinh nghiệm mỗi người.

Ngược lại buông câu dọc bờ sông, một cách nào đó khá tương tự inbound marketing. Thu hút bầy cá một cách tự nhiên thậm chí dẫn dắt chúng bằng những mồi câu sống động, kiên nhẫn chờ đợi và bạn sẽ ra về với một ngày bội thu!

Ví von là vậy nhưng để hiểu rõ hơn về Inbound và outbound marketing, cùng Wisdom tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Outbound Marketing và Inbound Marketing là gì?

Tiềm năng và những hạn chế của outbound marketing là gì?

Vậy trước hết, outbound marketing là gì? Một cách dễ hiểu, outbound marketing là hình thức ‘đẩy’ thông điệp đến đối tượng mục tiêu qua những kênh có độ phủ lớn. Trong quá khứ, hiệu quả của outbound marketing thường bị hạn chế bởi sự ngắt quãng trong trải nghiệm do đặc thù kênh OOH, TV, email, báo…. Tuy nhiên, khi các phương thức quảng cáo trên nền tảng số ngày càng tối ưu để mang đến những trải nghiệm nhất quán qua nhiều kênh, outbound marketing là ‘bánh răng’ không thể thiếu để quá trình bán hàng vận hành trơn tru.

Ưu điểm của outbound marketing là tính hiệu quả tức thì. Bằng cách đưa ra những thông điệp chạm tới ‘insight’, quảng cáo theo trường phái outbound marketing có thể tạo ra những chuyển đổi nhanh cho sản phẩm có vòng đời ngắn/ món đồ giới hạn, độc quyền hoặc hỗ trợ xây dựng tình yêu thương hiệu. 

Nhược điểm lớn nhất của outbound marketing nằm ở chiến lược thực thi. Sở dĩ như vậy là bởi không chỉ tiếp cận những đối tượng đã có nhu cầu hay đang kiếm tìm giải pháp, outbound marketing cũng đưa ‘thông điệp’ đến những người không thật sự quan tâm. Hãy nghĩ đến trang tin mới đọc, liệu bạn có gọi tên được nhiều hơn 2 mẫu quảng cáo? Không chỉ là bài toán chi phí – hiệu quả, thiếu tính chiến lược khi triển khai outbound marketing đôi khi còn ‘đẩy’ khách hàng về phía đối thủ bởi những trải nghiệm phiền nhiễu. Nhớ lại những buổi tối lướt video trên Facebook/ Youtube chẳng hạn, cảm giác của bạn thế nào khi những quảng cáo tưởng như bất tận xen ngang?!

Ưu, nhược điểm của Inbound Marketing là gì?

Nếu outbound marketing là chiến lược ‘đẩy’ thì ‘câu thần chú’ của inbound marketing là ‘kéo’ khách hàng về phía thương hiệu một cách tự nhiên. Nói cách khác, thay vì cố gắng bán cho người đang tìm giải pháp, Inbound Marketing đặt trọng tâm vào việc định hướng nhu cầu và dẫn dắt đối tượng tới quyết định mua sau khi đã chiếm trọn lòng tin của họ. Mà muốn vậy, thương hiệu cần mang đến những trải nghiệm liền mạch cùng lời khuyên hữu ích có tính cá nhân cao cho những nỗi băn khoăn không lời giải đáp từ phía khách hàng. 

Lợi thế của Inbound Marketing là khả năng thiết lập mối quan hệ dài hạn với khách hàng để họ không chỉ thường xuyên quay lại mà còn nói tốt về thương hiệu với bạn bè, người thân. Do đó, chất lượng lead (thông tin khách hàng để lại) thường có khả năng chuyển đổi khá cao. Ngoài ra, inbound marketing cũng như sợi dây kết nối các bộ phận sales, marketing, chăm sóc khách hàng để tạo ra sự đồng điệu trong mọi tương tác xuyên suốt hành trình mua sắm. 

Tuy nhiên, điểm hạn chế của chiến lược Inbound Marketing là thời gian. Niềm tin không thể đến trong một sớm một chiều, để trở thành nơi khách hàng gửi gắm ‘hy vọng’ cho những rắc rối trong đời, thương hiệu cần nhiều thời gian nuôi dưỡng quan hệ. Bởi vậy, Inbound Marketing thường phù hợp với những loại hình dịch vụ với giá trị lớn như giáo dục, thiết kế nội thất, bất động sản, du học – nơi quyết định mua thường phức tạp và cần nhiều thời gian đắn đo, so sánh. Ngược lại, nếu kỳ vọng chuyển đổi nhanh, inbound marketing có thể chưa hẳn là chiến lược phù hợp trong ngắn hạn.

Vậy Inbound Marketing và Outbound Marketing phương án nào tốt hơn?

Nên làm inbound marketing hay outbound marketing? Yếu tố để đánh giá tính phù hợp của một chiến lược outbound và inbound marketing là gì?

Không có phương án nào là lời giải hoàn hảo cho mọi bài toán này cả. Inbound marketing có thể là ‘đáp án’ tối ưu cho ngành hàng này nhưng lại không thực tế cho ngành hàng khác. Outbound marketing cũng vậy. Cả hai phương thức đều có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với nhau, quan trọng là cách tiếp cận nào phù hợp nhất với quy trình hoạt động của công ty và hành vi mua sắm từ phía khách hàng. 

Với ngành hàng có giá trị cao đòi hỏi sự cân nhắc kỹ càng, chỉ tiếp cận bằng outbound marketing liệu đã đủ để thuyết phục họ ‘rút ví’? Hãy nghĩ đến xe ô tô, đồng hồ hay những xa xỉ phẩm chẳng hạn, phải tìm hiểu bao lâu bạn mới đưa ra quyết định mua sắm?! Ngược lại, những mặt hàng như snack, thời trang… khi người tiêu dùng mua sắm như một thói quen hay chỉ theo đuổi những trải nghiệm mới, phải chăng ‘chăm sóc’ với inbound là lựa chọn phù hợp? 

Về mặt chi phí hiệu quả, như đã đề cập ở trên,

  • Outbound marketing là chiến lược tốt hơn trong ngắn hạn nhưng xét về dài hạn, tổng chi phí sẽ cao hơn
  • Inbound marketing sẽ tối ưu hơn về chi phí trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn đôi khi doanh nghiệp phải hy sinh về tính hiệu quả trên từng đồng bỏ ra.

Bởi vậy, bên cạnh mô hình kinh doanh, hành vi người dùng, mục tiêu doanh nghiệp trong ngắn hạn, dài hạn cũng là yếu tố quyết định chiến lược của bạn.

-> Tham khảo thêm xu hướng digital marketing 2020 để xây dựng chiến lược phù hợp với từng doanh nghiệp

Lời cuối về chiến lược inbound và outbound marketing

Inbound marketing và outbound marketing là 2 hướng tiếp cận khác nhau nhưng không đối ngược đến nỗi chẳng thể dung hòa. Nhìn thoáng hơn, inbound và outbound giống như 2 miếng ghép giúp thương hiệu tăng trưởng ổn định trong cả ngắn hạn và tương lai. Do đó, 

  • Nếu thương hiệu đang hoạt động tốt với chiến lược outbound, bạn có thể cân nhắc inbound marketing như một cách củng cố mối gắn kết với khách hàng
  • Nếu inbound là định hướng chiến lược của thương hiệu, outbound marketing sẽ là ‘bánh răng’ chính giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trong giai đoạn đầu tiên.

Nếu bạn cần định hướng về một chiến lược tích hợp inbound và outbound marketing, hãy chia sẻ thêm về những vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải để Wisdom Agency có thể hỗ trợ tư vấn kỹ hơn! 

 

Đặt hẹn tư vấn về chiến lược xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tại: