Tiếp nối những câu hỏi bỏ ngỏ của bài viết “Chiến lược thích ứng trong bối cảnh mới 3 – phần 1” , chúng ta đều biết đây là thời điểm ‘tấn công’ sẽ có lợi hơn tiếp tục ‘phòng thủ’, thay vì tiếp tục thận trọng, doanh nghiệp được phép phiêu lưu để đón đầu những cơ hội mới. Vậy với những doanh nghiệp, tổ chức hướng tới tái định hình và chủ động phát triển giai đoạn nửa cuối 2022, đâu là những thay đổi cần thiết lúc này?
Thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard – BSC) có lẽ là công cụ không mấy xa lạ với nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp. Để định hướng những thay đổi cần thiết và dẫn dắt doanh nghiệp vững vàng bước sang ‘chương mới’, hãy cùng Wisdom Agency bắt đầu với 5 thành tố cốt lõi dưới đây:
Trong bài viết thứ 2 về chiến lược thích ứng, chúng ta đã thảo luận về việc tại sao tầm nhìn & chiến lược phải tiến hóa để thích nghi với những xáo trộn trong hành vi, hệ giá trị tác động bởi đại dịch. Ở giai đoạn phục hồi – hậu Covid, khi chuyển từ thế bị động phòng thủ sang ‘chủ động tấn công’, tầm nhìn & chiến lược cần tiếp tục phản ánh những ‘điều chỉnh’ của xã hội, cộng đồng – những ảnh hưởng sớm muốn sẽ hình thành nên những xu hướng tâm lý, hành vi tiêu dùng mới.
Một xu hướng phổ biến trên toàn thế giới hiện nay là các mô hình ưu tiên trách nhiệm xã hội và phúc lợi của nhân viên. Nhiều doanh nghiệp đang xem coi xu hướng trên như một phần tất yếu của tầm nhìn mới. Theo đó, thay vì chỉ theo đuổi lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ dần dần đặt nặng hơn tính bền vững và dịch vụ cộng đồng trong các chiến lược tương lai.
Là đối tác của Landor & Fitch đại diện cho Việt Nam, Wisdom nhận thấy rằng các doanh nghiệp và thương hiệu đang dần dần kết hợp ‘tầm nhìn’ của họ với các yếu tố mang lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng. Khi bình thường trở lại, các ngân hàng đã tái định nghĩa vai trò bản thân như một người hỗ trợ cho SMBs. Các doanh nghiệp vốn chú trọng vào tăng trưởng lợi nhuận cũng bắt đầu làm mới mô hình kinh doanh để đảm bảo lợi ích chung giữa doanh nghiệp – cộng đồng nhân viên. Amazon là một ví dụ điển hình về cách họ biến nơi làm việc thành điểm chạm thiên nhiên nhằm đảm bảo sức khỏe về thân – tâm – ý cho những người luôn coi công ty là nhà!
Tất nhiên, bên cạnh trách nhiệm xã hội, cộng đồng, thời đại hiện nay vẫn tồn đọng nhiều vấn đề cần giải quyết như trách nhiệm môi trường, bình đẳng – bình đẳng giới, bình đẳng cơ hội cho những người ‘bất bình đẳng’ về thể chất – tinh thần… Câu hỏi đặt ra là “đâu sẽ là trách nhiệm bạn tiếp nhận trong thực tại mới”?
Để bắt kịp với chiến lược & tầm nhìn mới, tuyên ngôn giá trị (value proposition) là yếu tố cần điều chỉnh trước tiên. Đây cũng là yếu tố mang tính định hướng cho mọi thay đổi về mặt thương hiệu. Và điều này cũng phần nào lý giải vì sao nhiều thương hiệu đồng loạt ‘thay đổi diện mạo’ ngay khi đại dịch lắng xuống.
Khi các doanh nghiệp lớn đầu tư làm mới thương hiệu, đó không chỉ là dấu hiệu của nền kinh tế đang trên đà phục hồi, đồng thời còn là thông điệp phản ánh chiến lược của họ về vị thế mới. Chẳng hạn như:
Một ví dụ dễ cảm hơn, đó là chiến dịch “Keep Nature Standing” của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế mới phát động gần đây nhằm ngăn chặn hiệu ứng domino về sự tàn phá do con người gây ra: “Chúng ta sống dựa vào nhau, khi một cá thể sụp đổ, mọi thứ sẽ sụp đổ”.
Những đại điều chỉnh này có thật sự cần thiết trong giai đoạn tới đây? Câu trả lời phụ thuộc vào việc doanh nghiệp của bạn có sẵn sàng đi đầu cho cuộc đua phía trước hay chấp nhận ‘làm kẻ đi sau’!
Và khi nói đến việc đi đầu, đôi lúc đó không phải là những cuộc cách mạng không ai nghĩ tới. Trong tất cả các giai đoạn ‘bản lề’ của lịch sử thương trường, nhiều xu hướng đã được dự đoán từ sớm, nhiều mô hình đã sớm manh nha hay phổ cấp ở nhiều quốc gia, vấn đề chỉ là đơn vị nào ‘tiếp nhận’ đầu tiên và đủ nguồn lực để khai phá chúng!
Về quy trình, có hai xu hướng được cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ đang tiếp cận triển khai: tích hợp công nghệ và tinh gọn hóa mô hình vận hành. Một mô hình vận hành có thể đứng vững trước mọi biến số tương lai, cần đảm bảo độ nhạy và tính linh hoạt cao. Và lời giải tối ưu nhất là quá trình không ngừng thử nghiệm, sai và sửa trong tích hợp công nghệ vào tối ưu mô hình quản trị mới.
Ví dụ, ở Việt Nam 2 năm trở lại là năm bùng nổ của các phần mềm tự động hóa doanh nghiệp với các tên tuổi lớn như FPT, FSI…. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp cũng có xu hướng di chuyển một phần văn phòng lên mây – hình thức cho phép họ linh hoạt hơn trong việc tăng hoặc giảm quy mô đồng thời duy trì lợi thế cạnh tranh về công nghệ.
Về cơ sở hạ tầng, Wisdom Agency tin rằng một không gian mở, ít vách ngăn và kết nối chặt chẽ với thiên nhiên sẽ là môi trường làm việc lý tưởng cho tương lai gần. Đây cũng là yếu tố khá quan trọng đối với hạnh phúc của những thế hệ nhân lực đã đi qua sự bí bách của đại dịch.
Sau khi đã tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời, điều tiếp theo chúng ta cần tập trung là khuyến khích nhân viên phát triển năng lực cùng công ty. Mô hình làm việc đan xen giữa lên ‘văn phòng và làm tại nhà’ có thể sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển cá nhân khi nhân viên có thể tiết kiệm gần như 2 tiếng di chuyển mỗi ngày!
Ngoài ra, khi ‘freelancer’ đang là xu thế của một vài lĩnh vực, môi trường làm việc linh hoạt cũng có thể giúp doanh nghiệp khai thác được nguồn nhân sự cao cấp này. Bởi vậy, quản lý nguồn nhân lực ‘tự do’ (F-HRM) có thể sẽ là xu hướng tiếp theo cho các mô hình doanh nghiệp năng động. Tuy nhiên, ở cấp chiến lược, việc phát triển đội ngũ đồng thời đào tạo, nâng cao kỹ năng cho nhân viên chủ chốt vẫn nên là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ sâu trong cốt lõi!
Nghiên cứu gần đây từ Harvard cũng chỉ ra rằng, trong tương lai, thay vì chỉ tập trung vào 1 kỹ năng chuyên sâu, nhân sự sẽ cần mở rộng thêm về các mảng kiến thức lân cận – bộ kỹ năng hình chữ T. Theo đó, trong những thời kỳ ổn định, những nhân viên sở hữu bộ kỹ năng trên có thể luân chuyển qua lại giữa các phòng ban để mang tới những ‘luồng gió mới’ cho từng bộ phận cũng như ‘làm mới’ cảm hứng công việc khi đã ngồi 1 chỗ quá lâu!
Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, đó là nguồn tài chính cần thiết để thúc đẩy các thay đổi nêu trên. Trong phần 2 của chuỗi bài viết, Wisdom cũng đề cập tới việc phải thận trọng trong chi tiêu. Nếu doanh nghiệp chỉ vừa đi qua ‘giông tố’ với tình trạng tài chính không mấy khả quan, sẽ rất ít tham vọng có thể triển khai trong giai đoạn này. Nếu doanh nghiệp vẫn bảo tồn được nguồn lực, đây là thời điểm không nên ‘chậm bước’ vì tất cả những lý do đã đề cập đến ở trên!
Bên cạnh đó, M&A cũng có thể là một giải pháp khi nguồn lực doanh nghiệp không ‘gánh’ được những mục tiêu lớn. Tuy có thể bổ sung năng lực và nguồn lực cho nhau nhưng đây cũng là quyết định cần sự thận trọng. Khi 2 doanh nghiệp có quá nhiều lỗ thủng sát nhập với nhau, đó có thể sẽ là cú huých khiến doanh nghiệp lún sâu hơn trong vũng lầy!
Hy vọng những quan điểm trên đã phần nào giúp bạn đánh giá và định hình những phương hướng tiếp theo trong thời gian tới. Và bởi thời điểm hiện tại là thời cơ để bứt tốc trên chặng đua dài, Wisdom Agency vẫn đang đồng hành cùng những doanh nghiệp bản địa trên cuộc đua ấy và chúng tôi hân hạnh được chia sẻ góc nhìn này đến quý độc giả.
→ Tham khảo thêm những góc nhìn khác của Wisdom Agency tại đây.